Lăng và Đền thờ Kinh_Dương_Vương

Việc thờ cúng Kinh Dương Vương ở Việt Nam không phổ biến bằng tín ngưỡng thờ cúng Thần Nông, vị thần là cụ thủy tổ của Hùng Vương đồng thời là vị thần rất được sùng bái trong tín ngưỡng nông nghiệp ở Việt Nam; được các triều đại phong kiến lập Đàn Xã Tắc để tế lễ hàng năm.

Di tích đình Thượng Lãng ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là di tích cổ nhất thờ Kinh Dương Vương; tương truyền có từ thời nhà Đinh.

Lăng và Đền thờ Kinh Dương vương ở Bắc Ninh từ lâu đã được các triều đại Phong kiến Việt Nam xếp vào loại miếu thờ các bậc Đế vương, mỗi lần Quốc lễ đều cho quân đến tế lễ, dân thờ phụng trang trọng. Năm 2013, tỉnh Bắc Ninh công bố quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia Lăng và Đền thờ Kinh Dương vương với tổng mức đầu tư khoảng hơn 491 tỷ đồng.[7] Dự án chia làm 4 hạng mục xây dựng chính gồm: Không gian bảo tồn di tích, tập trung tu bổ, tôn tạo di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương vương sân đền, vườn khu lăng mộ; không gian giá trị di tích gồm: Tượng đài thủy tổ, quảng trường văn hóa lễ hội, nhà trưng bày văn hóa ... đi kèm các dịch vụ phụ trợ để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, thu hút du khách và hạ tầng kỹ thuật, san nền, đường giao thông, đường điện.[8]Hiện nay khu di tích lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương được thờ phụng tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.